Lạ thay, một công việc được cho là “đặc ân” của phụ nữ lại khiến người trong cuộc cảm thấy “ngán đến tận cổ”, nỗ lực đi tìm sự sẻ chia từ người đàn ông trong gia đình mình.
Phụ nữ “quá tải” việc nhà
Khi được hỏi “Việc nhà là của đàn ông hay đàn bà?”, có đến 78,63% phụ nữ cho rằng việc nhà nên là sự sẻ chia của cả chồng lẫn vợ. Điều đáng nói, trong tổng số 1.638 mẫu, có đến 500 người cảm thấy “ngán tới cổ” khi đi làm về lại phải lo một núi việc nhà.
Tuy nhiên, vì muốn chu toàn, vun vén và “sẵn sàng hy sinh vì chồng con”, nên hơn 50% chị em chọn giải pháp tự quán xuyến hầu hết việc lớn nhỏ trong nhà để chồng yên tâm làm kinh tế.
Số liệu trên giúp ta dễ dàng nhận thấy phái đẹp quá tải với “bài ca việc nhà” kéo dài. Lợi bất cập hại, lâu dần những “bà chủ gia đình” bị rút cạn nguồn năng lượng lẫn mong muốn chăm lo cho tổ ấm.
Liên quan đến chủ đề này, gần đây, trên mạng xã hội, Trác Thuý Miêu - MC/Facebooker nổi tiếng đã có có chia sẻ gây sốc: “Đàn bà nhiều khi lại “sướng” khi được lăn vào bếp” và gian bếp là “đặc ân của riêng đàn bà”. Phía dưới bài viết, nhiều chị em phụ nữ tỏ ra ngán ngẩm và phản đối kịch liệt.
Tài khoản Josh Dang phản biện: “Việc nhà sẽ mãi là câu chuyện bàn luận muôn thuở khi đàn ông không hiểu tận răng những khổ sở chị em phụ nữ, không hiểu thấu rằng phụ nữ cũng cần chồng phụ xếp đồ cho con, rửa từng cái chén”.
Nói như vậy để thấy, đã đến lúc các anh phải ra sân, đôi khi phải “giành sân” với vợ để thực hiện vai trò sẻ chia của mình. Bởi đơn giản, sẻ chia là một động từ, đặc biệt trong hôn nhân - cần sự chủ động sẻ chia từ hai phía chứ không đợi nhờ hay được nhờ để… sẻ chia.
Sẻ chia không khó!
Một hành động có thể hơn ngàn lời “có cánh”, nhiều cặp đôi hạnh phúc chỉ ra, bí quyết giúp vợ chồng giữ lửa hạnh phúc là bên cạnh bộn bề công việc, họ vẫn dành thời gian cùng làm việc nhà.
Nói như chị Trung Anh (35 tuổi, nhân viên văn phòng, quận 1) thì “Thậm chí, việc quét nhà, lau chùi bàn ghế hay những việc cần sự tỉ mẩn, đàn ông đều có thể làm tốt hơn cả phụ nữ”.
Các ông chồng có thể bắt đầu hành trình sẻ chia bằng những hành nhỏ nhưng ý nghĩa to: Khi đi làm về, các anh có thể hỏi han bằng những câu hỏi đại loại như “Hôm nay của em thế nào? Có việc gì vui không?”
Hay anh có thể đón con, ở nhà, 2 ba con có thể vận động nhẹ với những động tác “quét nhà” cơ bản hoặc cùng con xếp quần áo. Thậm chí, sáng tạo một chút, các anh có thể trổ tài trang trí nhà cửa, chỉ đạo bọn trẻ cùng làm để nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng hơn,…
Thời đại công nghệ phát triển giúp những ông chồng sẻ chia dễ dàng hơn bao giờ hết khi đã có đa dạng các thiết bị gia dụng phụ trợ giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công việc.
Bên cạnh đó, các bà vợ cho rằng, sẻ chia của chồng không chỉ và cũng không nên gói gọn trong căn bếp. “Mỗi lần con cái có vấn đề ở trường lớp, vợ chồng lại… hẹn riêng để bàn. Phần vì hội ý để tìm được giải pháp tốt nhất cho con, phần vì muốn nửa kia an ủi mình để đỡ buồn phiền”, chị Vân Anh (28 tuổi, nhân viên truyền thông, quận 1) bày tỏ.
Như vậy, sẻ chia sẽ trở nên ý nghĩa và trọn vẹn hơn khi vợ và chồng đồng thuận, mở lòng về các vấn đề khác trong cuộc sống như: trong nuôi dạy con cái, sẻ chia cả những niềm vui, nỗi buồn mỗi ngày. Hãy để sẻ chia việc nhà là những kỉ niệm đẹp, khoảnh khắc đáng nhớ xoay quanh căn bếp mà cả hai vợ chồng hay gia đình đều đang “tận hưởng” nó một cách trọn vẹn.
-Nguồn: Báo 24h-
Viết bình luận